Những người bán hàng rong vì miếng cơm manh áo đôi khi phải hi sinh nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, niềm vui đoàn tụ người thân để tiếp tục rong ruổi trên những con đường rộn tiếng người mà lòng buồn mênh mang một cõi đi về. Lại cái tết nữa vắng bóng anh
Long đong với nghề

Anh Nguyễn Văn Tuần, đi bán kẹo bông gòn dạo được bốn năm. Nhìn khuôn mặt trẻ với độ tuổi 22 nhưng cái sự trải của nghề nó hiện lên trong cái vẻ đăm chiêu, cặp mắt hơi buồn và nụ cười gượng gạo.

Xe bán kẹo bông dạo

Xe bán kẹo bông dạo


Lớn lên và sống Hà tây, nay là Hà Nội 2, theo gia đình vào sống trên vùng đất cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng. Từ nhỏ, học hết lớp 10 do hoàn cảnh khó khăn, Tuần bỏ học cùng người mẹ và những người anh đã phải tự mưu sinh kiếm sống bằng nghề bán kẹo bông gòn dạo dưới Sài Gòn.

Con người trẻ với cây bông gòn trên chiếc xe đạp rong ruổi qua các ngả đường của Sài Thành để mưu sinh. Có lúc anh bán ở Nhà Thờ Đức Bà, bên Cầu Khánh Hội, trường tiểu học và những điểm vui chơi giải trí đông người qua lại. Đó là nơi cho anh miếng cơm manh áo.

Mỗi dịp lễ, tết anh cũng kiếm được 400 – 500 ngàn/ngày. Đó là ngày lễ tết, những ngày thường có chỉ được hơn 100 ngàn, có ngày 70- 80 ngàn, cũng có khi không bán được cây nào. “…nhiều người kêu tôi bán cái này lời lắm, ít chi phí. Nhưng, thật ra không phải vậy. Ngày bán được mấy chục cây, mỗi cây 5000 đồng cũng chỉ được 60, 70 ngàn. Ngày lễ tết có khá hơn nhưng cũng chỉ đủ ăn. Còn những ngày trời mưa thì cả cây kẹo mới quay xong coi như bỏ, tan thành nước hết”.

Với số tiền lời như vậy khó có thể sống được với nghề. Càng ngày những hàng quán, những thứ quà vặt hấp dẫn những cô cậu bé hơn một chiếc kẹo bông. Ngay cả sinh viên thì thứ quà ấy dùng để tặng bạn bè, ăn cho vui chứ ít khi mua để thưởng thức. Độ ngọt lượm của đường dễ làm người ăn nhanh ngán lại không để được lâu. Nếu để ngoài không khí kẹo sẽ tan thành nước. Vì thế, mà ngày lại ngày nghề bán kẹo bông gòn dần trở nên ít người bán. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ khó có thể kiếm được một cây kẹo bông gòn để nhớ về “tuổi thơ dữ dội” thời nhặt ve chai đổi kẹo bông, tan trường chạy ào ra cổng mua một cây nhồm nhoàm ăn một cách ngon lành ăn xong kẹo còn dính quanh miệng những giọt mật đường.Do càng ngày thức quà ấy tỏ ra không hợp thời, không đủ sức cạnh tranh với kẹo bánh “đẹp mã” và đắt tiền. Những chiếc kẹo bông rồi cũng rơi vào một thời “dĩ vãng” của nhiều người.

Những người bán hàng rong như Tuần ngày ngày cũng phải tránh né công an hay bảo vệ khu phố để tránh bị “hốt” đồ nghề đưa về trụ sở và phải chịu đóng tiền phạt. Mỗi lần bị “hốt” như vậy mất công cụ mưu sinh mà tiền phạt càng ngày càng “tăng giá”. Lúc đầu, phạt 50 000 ngàn, sau 70- 80 000 ngàn rồi 100 ngàn. “Bây giờ có thoáng hơn, công an phạt thì vẫn phạt nhưng thay vì thu dữ đồ nghề thì bị giữ giấy CMND. Dù sao vẫn còn công cụ làm ăn là còn sống được”- anh tâm sự.

Anh chép miệng nói tiếp; “đi bán hàng rong thì ai cũng từng bị “hốt”, chẳng riêng ai. Tôi đã bị trên dưới 20 lần. Vì ở Sài Gòn đa số những nơi những người buôn bán hàng rong kiếm miếng ăn được nhờ các địa đểm du lịch, lễ hội, các con đường đông người qua lại. Nhưng giờ đã bị cấm. Người buôn bán hàng rong như tôi người thì chuyển nghề sang bán thứ khác, người thì dãn về những nơi rìa thành phố bán tạm sống qua ngày”.

Tuần thường đi bán ở nhiều nơi, nhưng gần đây anh cố định một chỗ bán trước cổng trường ĐH Tự Nhiên gần được 2 năm. Nơi này có đông sinh viên qua lại nên cũng có người mua. “ bán ở đây cũng đủ ăn, nhưng không bằng khu vực trung tâm Thành phố”-anh nói.

Buồn vui những kỉ niệm

Anh thường bán từ 5h-9.30 trùng lúc chợ đêm bắt đầu tới khi vãn khách. Chiều nay, một buổi chiều như mọi buổi chiều anh bán, nhưng anh có thêm một người “giúp việc”.

5 h anh bắt đầu quay kẹo cho cả buổi bán. Với bàn tay điệu nghệ, anh cuốn tròn hết những sợi bông mảnh như tơ vào những cây que một cách thật đẹp mắt với đủ màu sắc. Những sợ tơ to dần từ đầu que đến gần tay cầm. Một tay xoay theo chiều kim đồng hồ, tay kia chỉnh sợi bông lên xuống theo ý mình. Mỗi cây như thế mất khoảng một thìa đường hạt lớn, loại chuyên làm kẹo bông gòn. Mồ hôi đã lấm tấm trên trên gương mặt của người thanh niên ấy.

Cái cây dùng để treo kẹo bông gòn với đủ màu sắc cùng với thứ ánh sáng đèn điện trông giống như một bông hoa sáng rực, trội lên những thứ ánh sáng đèn led mờ ảo xung quanh. Có thể đây là một chiêu hút khách nên chính vì vậy mà nhiều người qua đường ghé mua vì độ bắt mắt của nó chăng? Mỗi lần quay anh quay đầy nguyên móc đó với khoảng 40 cây. Nhưng hiếm khi nào bán hết được con số ấy.

“Nếu bán được tôi sẽ quay thêm. Còn ngược lại, tối tôi lại có mọt món nước đường hòa chanh rủ bạn bè cùng phòng uống” (anh cười). Vì số kẹo thừa không thể làm gì ngoài việc bỏ vào nước tạo thành một thứ đồ uống nào đó như lời anh nói.

Chiếm một chỗ khiêm tốn bên lề đường, Tuần với chiếc ghế nhựa con con ngồi chờ khách. Nhưng để có một chỗ như thế anh cũng tốn một khoản kha khá để “mua” chỗ từ vị chủ quán nước mía bên cạnh. Với cái luật “rừng” của người buôn bán thì mỗi chỗ bên lề đường đều đã có chủ. Mặc dù là chẳng của riêng ai, của chung. Nhưng “phép vua thua lệ làng”.

“Tôi phải mất nguyên một tháng mời bạn bè đến đây ngồi chơi uống nước để mình được ngồi bán. Như vậy, người ta mới cho bán không thì bị đuổi, nhích chỗ này chạy chỗ kia để tránh đụng chạm người ta nhưng cũng cứ bị đuổi. Bây giờ hàng ngày anh vẫn phải mua nước coi như là “đóng thuế”.

Đó là một chỗ không“ đẹp” theo đúng nghĩa chuẩn của người kinh doanh buôn bán mà đã chịu cảnh như vậy. Nếu ra chỗ anh gọi là “vip” gần ngã ba nhà điều hành trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên, đông sinh viên qua lại thì còn cạnh tranh đấu đá nhau hơn. Mặc dù cái mặt hàng của anh thì chẳng thể tranh dành khách với ai. Biết vậy, anh chỉ ngồi chờ ai đến mua thì anh bán.

Tôi không là người buôn bán nên có thể không hiểu lắm nỗi buồn của người hàng rong. Nhìn anh với gương mặt trẻ, nhưng đượm buồn, ánh mắt nhìn về phía nơi có những cây bông gòn rực rỡ treo trên cây sắt mà thở dài. Hôm nay anh bán không được. Từ lúc quay máy đến giờ đã được gần 2 tiếng. Anh mới bán được gần chục cây. Có lẽ đêm nay anh lại ăn mì tôm cho qua bữa và uống nước đường chanh nhiều hơn.

Trò chuyện với nhau một hồi thấy mặt anh tươi tỉnh. Tuần kể cho tôi nghe những kỉ niệm vui khi đi bán:“tôi mới có 22 tuổi chưa vợ, thế nhưng nhiều bạn sinh viên cứ gọi bằng chú với con khi đến mua kẹo, nghe thấy buồn ghê ấy!” (anh cười).

Và cả những chuyện buồn; “Đó là khi tôi bán kẹo bông gòn dịp tết. Bán cả ngày đến đêm nơi chỗ có bắn pháo hoa. Mấy chỗ đó mới đông người mua. Vừa bán vừa tranh thủ ngắm pháo hoa lại thấy buồn và nhớ nhà.(ánh mắt anh đột nhiên chuyển hướng nhìn từ tôi sang nền đất dưới chân).

Đó là nỗi buồn lớn của những người bán hàng rong. Vì miếng cơm manh áo đôi khi phải hi sinh nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, niềm vui đoàn tụ người thân để tiếp tục rong ruổi trên những con đường rộn tiếng người mà lòng buồn mênh mang một cõi đi về. Lại cái tết vắng bóng anh.

Ước mơ đậu đại học

Anh có ước mơ được ngồi trên giảng đường Đại học. Tuần từng đi học ĐH Công nghiệp TPHCM nhưng vì gia đình khó khăn, đóng được học phí kì đầu, kì tiếp theo và những kì sau đó thì không thể. Tuần bỏ dở dang ước mơ khi đang trong niềm vui của một tân sinh viên để theo anh em đi bán hàng rong. Cỗ máy làm kẹo giá 2 triệu Tuần đã phải vay mượn anh chị mới có được.

Với chiếc xe đạp, sức trẻ và ước mơ được đi học, đôi chân anh đạp lướt qua những con đường đầy khó khăn mệt nhọc rong ruổi kiếm kế sinh nhai và nuôi ước mơ lớn dần. Hiện giờ, ban ngày Tuần đi ôn ở lò luyện thi Đại học ở Sư Phạm Kĩ Thuật chiều tối về đi bán kẹo bông. Phải chạy đi chạy lại giữa hai nơi nên đầu năm, anh “lên đời” (anh nói) chiếc xe máy để tiện di chuyển giữa đi học và đi bán. Nói lên đời vậy thôi, nhưng chiếc xe cúp cũ một vài chiếc đèn đã vỡ Nó là tài sản có giá nhất của Tuần và chiếc máy quay kẹo là chiếc cần câu cơm giúp anh vững bước theo đuổi ước mơ vào Đại học. Nhưng khi nào chiếc cần câu ấy hỏng là Tuần phải nhịn ăn và chạy vạy xoay cho ra 2-3 trăm ngàn thay cái mô tơ mới.

Được hỏi nếu sau này đậu đại học anh có tiếp tục đi bán kẹo bông gòn nữa không? Tuần nói thản nhiên mà không suy tư: “Có chứ! Đi học cũng cần có tiền để đóng học phí và tiền sinh hoạt nên tôi vẫn tiếp tục với nghề. Hơn nữa, nghề này đã gắn bó với tôi nên khó mà bỏ được”.

Hai ngày, cùng anh quay kẹo bông gòn, cùng buôn bán cùng trò chuyện với Tuần tôi thấy ước mơ của mình cũng đang dần to ra như chiếc kẹo bông gòn của anh. Sau nhiều cú va chạm vô tình tôi đã làm xẹp đi. Chúc anh sẽ đạt được ước mơ của mình và cỗ máy làm kẹo bông gòn sẽ giúp anh, mọi người không chỉ có được một món quà vật chất mà trộn lẫn là niềm hi vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Chia tay anh, ánh mắt gợi vẻ buồn, cô đơn của anh sẽ ám ảnh người “giup việc” này. Ánh mắt của sự hi vọng đồng cảm, của niềm tin.

Để sở hữu sản phẩm với giá ưu đãi hoặc cần tư vấn thêm về sản phẩm hãy gọi cho chúng tôi theo số 0868.843.815 / 0868.843.825 / 0246.663.2233 / 0246.663.2277.