Là nhân viên một công ty bảo hiểm ở Hà Nội nhưng hằng tháng, chị Hồ Ngọc Lan vẫn có thể kiếm thêm 2 triệu đồng nhờ bán giò lụa.
Đồng lương nhân viên hạn hẹp không đủ tích lũy, chị Ngọc Lan tìm cách kiếm thêm ngoài thời gian làm việc ở công sở. Thấy nhiều đồng nghiệp đã bán quần áo, mỹ phẩm hay hàng xách tay, chị quyết định kinh doanh một mặt hàng gì đó khác để đỡ cạnh tranh.
Quê chồng chị khá nổi tiếng với nghề làm giò. Sau nhiều tuần khảo sát, chị nhận thấy giò lụa quê không có hàn the hay bảo quản, ăn vào không bị cứng và ngọt lợ vị mỳ chính như hàng vẫn bán ngoài chợ. “Nếu mang lên Hà Nội, sản phẩm có thể bán chạy vì nhu cầu đồ sạch đang ngày càng cao”, chị Lan nhận định. Khảo sát nhanh với bạn bè và đồng nghiệp, chị nhận được nhiều lời đồng ý dùng thử. Một số người khẳng định sẽ mua nếu ngon. Do đó, chị quyết định chọn giò là mặt hàng để kinh doanh.
Giai đoạn đầu, chị Lan bán dè dặt vì chưa quen kiếm tiền bên ngoài và chỉ chào hàng với đồng nghiệp, hàng xóm, bè bạn. Dần dần, chị trở nên thành thạo trong việc tìm khách hàng. Công việc kinh doanh thuận lợi hơn từ khi chị rao bán trên mạng và gia nhập vào các hội kinh doanh online.
“Hiện nay khách đã đông gấp ba, bốn lần. Trước mỗi tuần chỉ có một chuyến hàng và bán được vài ba cân, nay tăng lên ba đến bốn chuyến một tuần”, chị Ngọc Lan cho hay. Giò của chị có giá 150.000 mỗi kg. Nhiều người không muốn mua cả cân vì ăn lâu hết, nên chị đóng gói nửa kg mỗi bịch với giá 75.000 đồng.
Bên cạnh chi phí gốc như nguyên liệu, công xá cho người sản xuất, phí vận chuyển cũng chiếm một phần đáng kể. Chuyển từ quê lên Hà Nội, xe khách thu 30.000 đến 50.000 đồng mỗi thùng hàng. Ra đến Hà Nội, người vận chuyển bằng xe máy (shipper) thu phí 20.000 đến 30.000 đồng mỗi lần chở đến nhà khách hàng.
“Với mỗi kg giò bán ra, trừ đi các loại chi phí tôi lời khoảng 15.000 đến 20.000 đồng mỗi kg”, chị nói. Hiện nay, mỗi tháng nghề tay trái bán giò mang về khoảng 2 triệu đồng tiền lãi, đủ để trang trải tiền sữa và đồ ăn thức uống hàng tháng cho con.
Do vẫn bận rộn với công việc 8 tiếng ở công sở, nên chị Lan không thể tăng lượng bán lên quá nhiều. Chị chỉ tranh thủ làm thêm vào đầu giờ sáng, trưa, chiều tối để đi lấy hàng và giao cho khách.
Cách thức bán hiện nay là khách đặt bao nhiêu, chị Lan báo về quê bấy nhiêu. Hàng được nấu từ sáng sớm. Đến khoảng 7h, chị ra bến xe nhận giò gửi bằng xe khách, rồi thuê người chuyển đến địa chỉ người mua. “Cách làm này khiến không có cảnh hàng tồn, nhưng lại không khi nào có hàng bán sẵn. Nhược điểm của giò sạch là không để được lâu. Tôi không dám đặt nhiều hàng rồi bán dần”, chị Ngọc Lan nói.
Không dừng lại ở đó, gần đây chị Lan bắt đầu kinh doanh thêm nhiều mặt hàng đặc sản quê như mắm tép, tép khô, chân giò muối xông khói. Đây đều là những mặt hàng ở quê chị, ít “đụng hàng” khi bán ở Hà Nội. Thu nhập thêm từ những sản phẩm này, chị dành trả các khoản học phí của con.
Anh Đức
Để sở hữu sản phẩm với giá ưu đãi hoặc cần tư vấn thêm về sản phẩm hãy gọi cho chúng tôi theo số 0868.843.815 / 0868.843.825 / 0246.663.2233 / 0246.663.2277.
Chúc mừng chị. Tôi cũng chuẩn bị kinh doanh các mặt hàng sạch từ quê lên Hà Nội để tăng thu nhập đây
mình cũng từng có ý định bán 1 số mặt hàng ở quê (sạch) như thế này nhưng vợ mình cản =))