Sữa chua có rất nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể. Giờ đây nhu cầu tự tạo ra loại sữa chua đảm bảo chất lượng theo khẩu vị phù hợp ngày càng được chị em quan tâm…
Hiện nay, với sự đa dạng của các loại máy làm sữa chua, người dùng chỉ cần bỏ ra một số tiền không lớn để có thể sở hữu và tự mình làm được món ăn bổ dưỡng này. Ưu điểm của máy là việc sử dụng đơn giản, kinh tế khi dùng lâu dài, nhiệt độ máy tạo ra luôn ổn định giúp quá trình lên men thuận lợi, dễ thành công, bạn cũng chủ động hơn trong việc đặt giờ và thỏa mãn yếu tố “đảm đang” của bạn.
Gần đây, tôi đọc được nhiều thông tin của các bà nội trợ về việc muốn tìm mua một chiếc máy làm sữa chua tốt để tự làm phục vụ cho nhu cầu gia đình. Máy làm sữa chua có nhiều loại hiện được quảng cáo nhiều trên tivi, trang web hoặc các trung tâm điện máy… do có nhiều thông tin nên các chị em còn băn khoăn không biết nên lựa chọn sản phẩm, mẫu mã nào.
Chúng tôi đã có chuyến khảo sát thị trường cũng như trên mạng để tìm giúp chị em một số mẫu máy làm sữa chua tốt đang được đánh giá cao, giúp chị em có được những cốc sữa chua dinh dưỡng cho gia đình trong những ngày hè nóng nực.
Tại siêu thị điện máy Pico hiện đang bán 6 mẫu máy làm sữa chua trong đó có 3 mẫu của Kanggaroo, một mẫu của Severin, một mẫu của Myota và một mẫu của Misushita. Theo nhân viên bán hàng, các máy làm sữa chua về cơ bản có tính năng hoạt động như một chiếc hộp ủ ấm với nhiệt độ được duy trì ổn định khoảng 45 độ, thích hợp cho quá trình lên men.
Máy của Kangaroo được nhiều người chọn mua bởi có mức giá không cao (từ 450 – 700 nghìn đồng), có 3 dung tích lựa chọn để chứa vừa 6 cốc, 8 cốc hoặc 12 cốc. Máy 12 cốc rất tiện khi làm một mẻ với một hộp sữa đặc có đường pha với nước ấm, còn loại 6 cốc thì chỉ cần dùng một nửa hộp sữa.
Máy của Myota là một trong những chiếc máy đầu tiên được biết đến trên thị trường nên được nhiều người quan tâm bởi có thiết kế đẹp, gọn gàng và chất lượng tốt. Nhà tôi hiện đã sử dụng chiếc máy này được gần 2 năm và thấy máy hoạt động vẫn tốt. Máy có chế độ hẹn giờ đếm ngược. Thời gian ủ khoảng 8 tiếng vào mùa đông và 6 tiếng vào mùa hè để có một mẻ sữa chua 6 cốc. Ngoài ra máy còn có một bộ 6 cốc nữa đi kèm trong trường hợp bạn muốn luân phiên làm sữa chua.
Mẫu máy mang chất lượng của Đức thuộc hãng Severin thì kén người mua hơn bởi mức giá cao hơn hẳn (khoảng 1 triệu) so với các mẫu máy của hãng khác. Máy làm sữa chua Severin có cốc làm bằng thủy tinh được những khách hàng kỹ tính ưu ái hơn bởi họ nghĩ nó tránh mùi hôi và vi khuẩn tốt hơn so với cốc nhựa. Hơn nữa cốc bằng nhựa cũng khó vệ sinh sạch sẽ hơn và dùng lâu có hiện tượng bị ố vàng. Tuy nhiên nhân viên bán hàng cho biết cốc nhựa của các hãng khác hiện đều là loại nhựa chất lượng cao nên không có mùi hôi trong quá trình sử dụng.
Cầm trực tiếp một số mẫu máy này để so sánh, tôi thấy điểm khác nhau cơ bản của những máy giá rẻ so với những máy giá cao là về xuất xứ, thương hiệu, chất liệu làm cốc, thiết kế và tính năng của máy làm sữa chua. Ví dụ hai mẫu Misushita và Myota có hình dáng tổng thể na ná nhau, mẫu Misushita có giá 200 nghìn đồng còn mẫu Myota có giá 470 nghìn đồng. Nhìn kỹ thì chiếc máy Myota có thiết kế tinh tế hơn, nhìn máy cũng sắc sảo hơn, hai máy đều sử dụng cốc nhựa nhưng cốc của Myota mềm và trắng hơn trong khi cốc của Misushita cứng và không đẹp bằng. Chiếc máy Myota có thêm tính năng đặt giờ đếm ngược (ví dụ bạn đặt 8 tiếng quá trình ủ sữa thì sau khi khởi động, đồng hồ sẽ tự động đếm ngược khi về 0 sẽ tự tắt máy và báo “tít tít”) còn máy Misushita thì chỉ có đơn thuần chức năng ủ.
Hay như hai mẫu Kangaroo KG81 – giá 690 nghìn và KG82 – giá 590 nghìn. Chênh nhau một 100 nghìn thì thiết kế của chiếc KG81 nhìn sang trọng hơn với một lớp kim loại xước bao quanh thân máy, cốc là cốc thủy tinh thay vì là nhựa đặc chủng và trên nắp cốc còn có vòng xoay chỉnh ngày để người sử dụng nhớ được là ngày làm sữa hoặc ngày nên ăn cho phù hợp. Hai mẫu máy của Kangaroo đều có chế độ đặt giờ và nếu so với hai mẫu máy ít tiền hơn bên trên thì máy còn tiện hơn ở chỗ nắp đậy như một cánh cửa vì bản lề ở sau giúp nhấc nắp lên về phía sau thay vì cầm nắp để ra chỗ khác.
Ở Topcare, Media mart, Nguyễn Kim, Trần Anh tôi thấy có một số mẫu máy giống như Pico nhưng khác nhau về giá, ví dụ mẫu Misushita D6868 bán giá 350 nghìn đồng (Pico bán 200 nghìn đồng), mẫu Myota MYSC16L giá 590 nghìn (Pico bán 470 nghìn đồng, Trần Anh giá 590 nghìn đồng), mẫu Kangaroo KG81 giá 580 nghìn đồng (Pico bán 690 nghìn đồng, Media mart giá 849 nghìn đồng, Nguyễn Kim giá 950 nghìn đồng, Trần Anh giá 590 nghìn đồng), mẫu KG82 giá 819 nghìn đồng (Pico bán 590 nghìn đồng, Media mart giá 749 nghìn đồng, Trần Anh giá 590 nghìn đồng).
Theo nhân viên bán hàng, tùy vào từng đợt khuyến mại mà mỗi siêu thị “chạy” các sản phẩm khác nhau.
Sau đây là một số lưu ý khi mua máy làm sữa chua:
– Thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ: thị trường hiện có nhiều thương hiệu như Myota, Kangaroo, Misushita, AnAn, Severin, Silkma, Magic One, Vivify, NUC, Argo, Facare… với các xuất xứ khác nhau: Nhật, Úc, Đức, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… trong đó hàng xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan thường có kiểu dáng đơn giản, máy ít tính năng và giá rẻ. Các hãng xuất xứ từ Nhật hay Hàn Quốc cũng được đánh giá cao hơn. Máy của các hãng châu Âu thường được đánh giá cao hơn bởi thiết kế đẹp, chắc chắn, có nhiều tính năng (hẹn giờ bật, hẹn giờ tắt, khả năng bù trừ nhiệt độ…), có độ bền tốt. Nên chọn những thương hiệu lớn có uy tín, chọn mua sản phẩm chính hãng ở các siêu thị điện máy lớn để tránh bị mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
– Dung tích mẻ làm: các máy chủ yếu có dung tích mẻ làm từ 1 – 2 lít sữa chua thành phẩm. Tùy vào nhu cầu sử dụng của gia đình mà bạn chọn loại máy có 6 cốc, 8 cốc hay 12 cốc.
– Tính năng: ngoài tính năng cơ bản là ủ nhiệt làm sữa chua, một số máy có các chức năng tắt bật, điều khiển bằng cơ, số khác lại điều khiển thông qua bảng điện tử. Có máy có thêm chế độ hẹn giờ tắt, chế độ bù trừ nhiệt độ theo mùa, chế độ ngắt điện tự động… Ngoài ra, tùy từng máy mà có thể làm sữa chua từ sữa đậu nành, sữa chua hoa quả… được không.
– Chất liệu cốc: các mẫu máy có xuất xứ từ châu Âu thường đắt tiền hơn nên cốc đi kèm thường là cốc thủy tinh có nắp nhựa. Các hãng giá rẻ thì hay sử dụng loai cốc bằng nhựa còn sản phẩm của Hàn Quốc thì có thể là cốc sứ. Cốc thủy tinh và cốc sứ dễ vệ sinh hơn, không bị ám màu và ám mùi qua quá trình sử dụng nhưng lại dễ vỡ và giá cao khi thay thế.
– Chế độ bảo hành sản phẩm: khi mua sản phẩm cần xem bao bì có bị bóp méo không, thời gian bảo hành máy thường là 12 tháng, tuy nhiên cũng có những hãng chỉ bảo hành trong vòng 3 tháng hoặc có hãng được bảo hành lên tới 3 năm. Do đó cần xem xét kỹ chế độ bảo hành để hưởng quyền lợi của mình khi máy bị trục trặc trong thời gian bảo hành.
– Tham khảo: phản hồi trên mạng, diễn đàn và check giá tại một số địa điểm trước khi mua.
Kết luận
Gọi là máy làm sữa chua nhưng thực ra không phải máy sẽ tự động làm tất cả các công đoạn để ra thành phẩm là sữa chua. Máy đơn giản chỉ là thiết bị ủ nhiệt những nguyên liệu đã được pha chế theo tỉ lệ để giúp chúng ta làm được sữa chua một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Trong quá trình sử dụng bạn nhớ luôn vệ sinh máy và cốc sạch sẽ, khi ủ nên để máy ở nơi khô ráo, nhiệt độ xung quanh không nóng cũng như lạnh quá. Không để ở trong môi trường chạy máy điều hòa. Sau khoảng thời gian từ 6 – 8 tiếng ủ (tùy mùa), bạn tắt máy và lấy cốc sữa chua ra để ở ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tiếng trước khi dùng để sữa kết dính và khi thưởng thức sẽ ngon, mát hơn.
Sau đây là 3 cách làm sữa chua thông dụng, tuỳ vào sở thích và khẩu vị của bạn:
Cách 1: làm bằng sữa đặc
Chuẩn bị:
– 1 lon sữa đặc (sữa vinamilk, sữa Ba Vì, sữa cô gái Hà Lan…)
– Nước sôi và nước đun sôi để nguội
– 1 hộp sữa chua làm men mồi (sữa Vinamilk, sữa Ba Vì…). Lưu ý: nếu hộp sữa chua này đang ở trạng thái lạnh (trong tủ lạnh) thì bạn nên lấy ra trước đó khoảng 20 phút để độ lạnh từ từ nguội đi mới tốt. Tránh trường hợp sữa chua đang lạnh cho vào nước nóng bị chết men, không tốt cho việc hình thành sữa chua.
– 1 ca đựng nước dung tích khoảng 2 lít
Cách làm:
– Mở nắp lon sữa đặc, đổ hết sữa vào ca
– Dùng lon sữa đó đong 1 lon đầy nước sôi đổ vào ca khuấy đều cho tan sữa đặc
– Chế thêm vào ca 2 lon nước đun sôi để nguội
– Đổ cả hộp sữa chua mồi vào và khuấy đều dung dịch trong ca.
– Rót đều ra các cốc, đậy nắp và đưa vào máy làm sữa chua ủ từ 6 – 8 tiếng
– Sau thời gian này lấy các cốc cho vào ngăn mát tủ lạnh để sử dụng sau đó.
Cách 2: làm bằng sữa tươi
Chuẩn bị:
– 1,5 lít sữa tươi (sữa bò hoặc sữa dê)
– 15 muỗng cà phê đường
– 1 hộp sữa chua men mồi (đã để ra ngoài trước đó cho hết lạnh)
Cách làm:
– Cho sữa tươi vào nồi nấu lửa nhỏ cho ấm nóng khoảng 50 độ
– Cho đường vào nguấy đều theo một chiều cho tan
– Tiếp theo cho sữa chua men vào khuấy đều rồi đổ vào các cốc
– Đậy nắp cho vào máy làm sữa chua ủ 6 – 8 tiếng
– Sau đó lấy ra cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần
Cách 3: làm bằng sữa tươi và sữa đặc
Chuẩn bị:
– 1 lon sữa đặc
– 2 lon sữa tươi (lấy lon sữa đặc đong)
– 1 lon nước sôi (lấy lon sữa đặc đong)
– 1 hộp sữa chua men mồi (đã để nguội, không lạnh)
– 1 cái ca
Cách làm:
– Đổ hết sữa đặc, sữa tươi, nước sôi vào ca rồi khuấy đều
– Tiếp tục đổ hộp sữa chua men mồi vào đó khuấy đều
– Đổ dung dịch thu được vào các cốc, đậy nắp
– Cho các cốc vào máy làm sữa chua ủ từ 6 – 8 tiếng
– Sau đó lấy cốc thành phẩm ra cho vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần
Lưu ý: Ngoài 3 cách thông dụng trên, bạn có thể sử dụng thêm hoa quả hoặc sữa đậu nành để làm sữa chua. Sữa chua sau khi được làm xong nên sử dụng trong vòng dưới 3 ngày để đảm bảo thơm ngon nhất. Không nên ăn khi đói vì trong sữa chua có độ pH giúp kích thích tiêu hóa lúc này sẽ làm bạn càng cảm thấy cồn cào, đau bụng. Nên ăn sữa chua sau bữa ăn khoảng 30 phút và không “làm nóng” sữa chua trước khi ăn.
Chúc các bạn làm được những mẻ sữa chua thật ngon và bổ dưỡng!
Để sở hữu sản phẩm với giá ưu đãi hoặc cần tư vấn thêm về sản phẩm hãy gọi cho chúng tôi theo số 0868.843.815 / 0868.843.825 / 0246.663.2233 / 0246.663.2277.
Bình luận của bạn